Saturday, January 10, 2015

Thụ thể giống Toll (Toll-like receptors): cảm biến để nhận diện nhiễm trùng





Cơ thể của chúng ta luôn phải đối mặt với nguy cơ bị tấn công bởi hằng hà sa số các vi sinh vật (VSV), bao gồm siêu vi, vi khuẩn, sinh vật đơn bào, nấm. May mắn thay, hệ miễn dịch đã hoạt động như một rào cản chống lại sự xâm nhập của các vi sinh vật này. Thế nhưng điều gì đã cảnh báo cho cơ thể biết các mối nguy hiểm? Lám thế nào mà vi sinh vật lại bị cơ thể phát hiện? Sự khám phá ra các protein nhạy cảm với VSV, Toll-like receptor (TLR), đã giúp chúng ta trả lời những câu hỏi trên.

Toll-like receptor có vai trò gì?
TLR giúp phát hiện một số lượng lớn các loại mầm bệnh ở người, cũng như có thể phát hiện các phân tử chỉ điểm tình trạng tổn thương mô, bằng một tiến trình được gọi là nhận diện khuôn mẫu (pattern recognition). Các thụ thể này khởi động 2 nhánh của đáp ứng miễn dịch: miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thích ứng. Miễn dịch bẩm sinh sẽ cho hiệu quả bảo vệ tức thời, Tuy nhiên, loại này có tính đặc hiệu kém, do đó nó sẽ gây ra cả những tổn thương cho mô lành nếu được hoạt hóa quá mức. Miễn dịch thích ứng, ngược lại, hình thành nên các lympho bào B chế tiết kháng thể và các lympho T độc tế bào vốn có hiệu quả và có tính chuyên biệt cao đối với bệnh nguyên. Kém may mắn thay, loại miễn dịch này cần nhiều thời gian hơn để hoạt hóa.  

Nhận diện khuôn mẫu và Toll
Tế bào người chỉ có khoảng 25.000 gene có khả năng mã hóa protein, do đó, việc có từng gene chuyên biệt (và 1 thụ thể chuyên biệt) liên quan việc nhận diện từng loại VSV là điều không tưởng. Nếu đã như vậy thì, bằng cách nào mà cơ thể lại có thể phát hiện mọi loại tác nhân gây bệnh, mặc dù thậm chí chưa hề tiếp xúc với chúng trước đó? Vào năm 1989, Charles Janeway đã đưa ra 1 giả thuyết cho rằng các tế bào đã sử dụng khả năng nhận diện kiểu mẫu để phát hiện VSV gây bệnh. Nói cách khác, các thụ thể sẽ gắn với những khuôn/kiểu mẫu cấu trúc, được gọi là các kiểu mẫu phân tử liên quan bệnh nguyên (PAMPs-pathogen-associated molecular patterns), vốn hiện diện trong những nhóm lớn VSV gây bệnh, nhưng không hiện diện ở chủ thể (con người). Theo thuyết của Janeway, các thụ thể sẽ không nhận diện chính xác từng loại VSV riêng biệt mà thay vào đó, chúng chỉ nhận diện bệnh nguyên như một sinh vật lạ xâm nhập từ bên ngoài. 
10 năm sau, thuyết của Janeway đã được chứng thực thông qua việc phát hiện TLR trên ruồi giấm Drosophilia. Trong tiếng Đức, “Toll” có nghĩa là “tuyệt vời, thú vị”.



Figure 1: các thụ thể phát hiện nhiễm trùng
Toll-like receptor nhận diện VSV bằng cách gắn với các kiểu mẫu phân tử liên quan bệnh nguyên. Chữ viết tắt: lipopolysaccharide (LPS), lipoteichoic acid (LTA), lipoproteins (LPs), glycophosphatidylinositol (GPI). Các thụ thể nhận diện các kiểu mẫu khác của bệnh nguyên cũng đã được xác định, chẳng hạn như: transmembrane C-type lectin receptors (CLRs) có vai trò nhận diện nấm; các thụ thề chế tiết (collectins, ficolins, và pentaxins) hoạt hóa hàng rào bảo vệ bẩm sinh liên quan bổ thể và thực bào; cytosolic RIG-1-like receptors (RLRs) phát hiện siêu vi; và cytosolic nucleotide-binding domain and leucine-rich repeat-containing receptors (NLRs) phát hiện bệnh nguyên và các tín hiệu stress.

Những hiểu biết về TLR
Trong nghiên cứu, một số thành phần vi khuẩn, ví dụ  như lipopolysaccharide (LPS) có thể sử dụng để tạo ra bệnh cảnh nhiễm trùng huyết thay vì phải dùng toàn tế bào (vi khuẩn). LPS hiện diện ở vách của tất cả cả vi khuẩn Gram (-), và do đó, đây là một ví dụ cho PAMPs theo thuyết của Janeway. Thông qua những nghiên cứu trên chuột, Poltorak và cs. (1998) đã chỉ ra rằng TLR4 là thụ thể của LPS. Cho đến nay, đã có ít nhất 10 loại TLR được phát hiện. TLR 1, 2, 4, 5, và 6 sẽ gắn kết với các phối tử (ligand) vốn là thành phần hiện diện trên vách và màng VSV gây bệnh, chẳng hạn như: LPS và lipoteichoic acid có ở vách vi khuẩn, liprotein từ màng vi khuẩn, flagellin (thành phần cấu trúc flagella). TLR 3, 7, 8, và 9 gắn kết với các acid nhân của VSV gây bệnh, bao gồm RNA chuỗi đơn và DNA. Cần lưu ý là các TLR này không có khả năng phân biệt các acid nhân của chủ thể nếu chỉ dựa vào sự khác biệt về cấu trúc, sự nhận diện các acid nhân từ VSV gây bệnh phụ thuộc phần lớn vào vị trí hiện diện trong tế bào. Do tất cả các phối tử trên đều đóng vai trò quan trọng trong cấu trúc của VSV gây bệnh nên chúng không thể loại bỏ những phối tử này ra khỏi cấu trúc để tránh bị TLR phát hiện. TLR cũng được phát hiện ở những sinh vật bậc thấp như giun tròn C. elegans và thực vật, chứng tỏ TLR có nguồn gốc tiến hóa từ rất xa xưa.

Cấu trúc TLR
 TLR có cấu trúc cơ bản điển hình của các protein xuyên màng. TLR ở người có khoảng 700-1000 acid amin bao gồm phần ngoại bào, phần xuyên màng, và phần nằm trong bào tương tế bào.Thông thường khi hoạt động, 2 kiểu TLR giống nhau sẽ kết hợp để tạo nên đồng nhị trùng (homodimer). Tuy nhiên, dị nhị trùng (heterodimer) cũng đã được ghi nhận (TLR1 với TLR2 và TLR6).

Vị trí hiện diện TLR và sự biểu hiện chuyên biệt theo tế bào
TLR 1, 2, 4, 5, và 6 nằm ở màng tế bào. Ngược lại, TLR 3, 7, 8, và 9 nằm ở màng endosome và lysosome.
TLR có các kiểu biểu hiện phức tạp thay đổi theo các loại tế bào chuyên biệt. Cần nhắc lại rằng tuy tất cả các tế bào đều mang cùng kiểu gene, nhưng có thể có sự chuyên biệt hóa về mặt chức năng do có sự biểu hiện gene khác nhau. TLR được biểu hiện chủ yếu ở các loại tế bào bạch cầu. 

Các tín hiệu tổn thương
Có một chỗ lắt léo trong câu chuyện về TLR. Đa số các nhà khoa học đều đồng ý TLR hoạt động chuyên biệt để nhận diện VSV lạ, giúp cơ thể phân biệt các phần tử tự thân và không tự thân (phân biệt các tế bào cơ thể với VSV gây bệnh). Thế nhưng, lại có những bằng chứng thuyết phục cho thấy rằng TLR có thể gắn kết với cả một số phối tử có nguồn gốc từ chủ thể. Tại sao hệ miễn dịch lại phản ứng với các thành phần tự thân như thế? Giả thuyết được đưa ra là do các phối tử này hoạt động như các tín hiệu báo tổn thương (DAMPs, damage-associated molecular patterns) để báo động về tình trạng tổn thương của mô và các tế bào cơ thể. Một số ví dụ cho tình trạng này: các thành phần nội bào phóng thích từ nơi có tế bào chết do hoại tử, các sản phẩm giáng hóa của chất nền ngoại bào.
Các tín hiệu tồn thương nội sinh (endogenous damage signals) có thể kích thích một đáp ứng miễn dịch bẩm sinh không thích hợp và đưa đến những phản ứng gây hại nhiều hơn lợi trong một số trường hợp không có nhiễm trùng. Một ví dụ là tình trạng thiếu máu cục bộ thường gặp trong đột quỵ và ghép tạng. Các tế bào chết trong quá trình thiếu máu cục bộ sẽ phóng thích các tín hiệu tổn thương, và sự phục hồi tưới máu sẽ cho phép một nguồn bạch cầu đến gây đáp ứng viêm đối với các tín hiệu này. Tình trạng viêm này đưa đến nhiều hủy hoại hơn tổn thương ban đầu.

Sự truyền các tín hiệu TLR
Sau khi TLR phát hiện các kiểu mẫu phân tử liên quan tổn thương, chúng phải chuyển các tín hiệu này thành những thông điệp vào trong tế bào thông qua sự truyền tín hiệu. Quá trình này liên quan nhiều protein kinase, bao gồm IRAKs (IL-1R-associated kinases) và MAPKs (mitogen-activated protein kinases). Chẳng hạn như, nếu gây ra một dạng IRAK4 khiếm khuyết ở chuột, chuột sẽ trở nên kháng sốc nhiễm trùng và viêm mạn tính; vì vậy, có thể các chất ức chế IRAK4 sẽ giúp ngăn ngừa sốc nhiễm trùng và viêm ở người. Đáp ứng cuối cùng của các tế bào với kích thích TLR thường liên quan đến sự hoạt hóa các yếu tố phiên mã (transcription factors) điều hòa sự biểu hiện của một số gene chuyên biệt, đưa đến sự tăng sản xuất của hàng trăm loại protein, đa phần là các cytokine.

 Figure 2: cấu trúc và dòng thác tín hiệu của TLR

(A) Cấu trúc của TLR được đặc trưng bởi các protein màng type I: một phần xuyên màng (MB) nối với phần ngoại bào, và một phần nằm trong bào tương. Các vùng cấu trúc nhỏ hơn được mô tả bằng những vòng màu hình tròn hoặc tam giác. (B) kiểu mẫu này, dựa trên các dữ liệu tinh thể học x-ray, đã cho thấy các chuỗi acid amin của 1 TLR gấp như thế nào trong không gian 3 chiều. Hai phân tử protein giống nhau (màu xanh nhạt và màu đỏ) liên kết để tạo thành một đồng nhị trùng (homodimer). (C) Sự dẫn truyền tín hiệu. Phối tử gắn vào phần ngoại bào của thụ thể (không thể hiện trên hình) và tạo nên một sự thay đổi về hình dạng từ đó hoạt hóa phần bên trong bào tương, cho phép sự gắn kết và tập trung các protein thích ứng được xảy ra (MYD88, TRAM, TRIF, và MAL/TIRAP). Các chất thich ứng sẽ hoạt hóa các protein trung chuyển khác bên trong tế bào, và chuỗi tương tác protein-protein này sẽ tạo ra con đường dẫn truyền tín hiệu liên kết một thụ thể được hoạt hóa với các đáp ứng của nó. Các mục tiêu cuối cùng của TLR là những yếu tố phiên mã gắn kết DNA (VD, NF-kB và IRFs) giúp kích hoạt sự biểu hiện của một số gen theo một số kiểu mẫu chuyên biệt trong nhân. Hệ thống tín hiệu này được bảo tồn ở ruồi dấm Drosophilia và giun tròn C. elegans.
 


Hướng phát triển tương lai
Sự phát hiện ra TLR và vai trò của chúng đã cung cấp một cơ hội mới trong việc phát triển thuốc ngăn ngừa và điều hòa đáp ứng miễn dịch.
Vai trò của TLR trong đáp ứng miễn dịch thích ứng vẫn chưa được hiểu rõ, và đề tài này là một hướng mở quan trọng cho các nghiên cứu tương lai. Vắc-xin cho các bệnh lý như AIDS, VGSV C, sốt rét, và thậm chí ung thư có thể được tăng cường hiệu quả khi thêm các chất hoạt hóa TLR để hoạt hóa bạch cầu, đưa đến một đáp ứng miễn dịch thích ứng hiệu quả hơn.      

(Lược dịch từ bài viết Toll-like receptors: sensors that detect infection của tác giả Peter Christmas đăng trên tạp chí Nature Education 3(9), 2010)